Đavitiani
(Trích)
Họ tên người viết cuốn sách này
Tôi – Guramisvili Đavít
Người viết cuốn Đavitiani cho đời.
Tôi gọi Người là cây xanh tốt
Và quả thơm , trái chín là Lời.
Tôi cũng gọi cội nguồn cuộc sống
Là cây đời luôn nảy nở , sinh sôi.
Và từng bị đóng đinh trên thánh giá ,
Tôi muốn mọi người hãy khóc cùng tôi.
Rượu nho đắt và thành khan hiếm
Từ ngày Jar và Kartli bất hòa.
Tôi vào rừng hái những chùm nho dại
Để đem về ủ rượu uống qua loa.
Để lớp trẻ nhớ tôi lâu, hôm nọ
Tôi đã làm rượu ngọt Machari.
Tôi mời uống vô tư, thân thiện,
Không việc gì phải ngại, uống đi!
Và vì vậy tôi không đem gai góc
Rào xung quanh cây thơ lớn sách này
Để trẻ con dễ trèo lên hái quả
Và tha hồ đùa nghịch giữa cành cây.
Machari tôi làm ra để uống,
Nên đau lòng khi đổ phí khắp nơi,
Và cũng thế, tập sách này tôi viết,
Tôi chỉ mong lớp trẻ giử cho đời.
Xưa Shôta uyên thâm vĩ đại
Trồng cây thơ kì diệu của mình.
Cây mọc rễ, vươn cao, tỏa rộng,
Trái từng chùm chín mọng , rung rinh.
Trái ngọt ấy ai ăn vào cũng thích,
Ăn bao nhiêu cứ việc mặc lòng.
Tôi xưa nay đọc thơ không ít,
Chưa người nào tôi thấy giỏi hơn ông.
Không thể ví trò chơi cậu bé
Cưỡi chiếc que giả làm ngựa trong nhà
Với dày dạn một chàng kị sĩ
Phi ngựa hồng, rong ruổi giữa đường xa.
Cũng thế , không so thơ tôi viết
Với thiên tài thơ Rustaveli
Từng có lúc tôi thầm ghen bắt chước
Nhưng tiếc thay chẳng được ích gì.
Thành ra tôi cuối cùng như đứa trẻ
Giữa vườn cây đã bị hái nhiều lần.
Cũng như trẻ, cầm cung tên, cầm giáo
Tôi vào rừng, theo bước cánh phường săn,
Nhưng chẳng săn được con nào, thật tiếc.
Còn trái cây – đã bị hái mất rồi.
Tôi là người đi câu sau chịu thiệt.
Chỉ đành khua nước đục mà thôi.
Tôi không ví thơ Shôta trác tuyệt
Với thơ tôi, như cốc ngọc bát sành.
Nhưng khi đói ta ăn thấy ngọt
Cả những chùm nho chát, lê xanh.
Làm xong việc người nông dân thấy khát,
Uống nước sông ngon như rượu trong bình.
Không ít khi các cô nàng xinh đẹp
Nhờ hạt cườm mà có vẻ thêm xinh.
Người xấu xí thành dễ coi hơn hẳn
Khi xung quanh đều sứt mẻ, đui què.
Ở chỗ nào ai ai cũng thấp
Thì có lùn cũng chẳng bị người chê.
Đến ngựa ghẻ cũng thành nhanh và tốt
Ở những nơi không có ngựa nòi.
Khi không có sách nào để đọc,
Chắc mọi người sẽ đọc thơ tôi.
Thần số phận đánh một đòn chí tử
Đúng vào tôi như gậy đánh vào đầu –
Không có cả con trai, con gái,
Tôi chết rồi, nhà sẽ đổ theo sau.
Trong lặng lẽ, cô đơn tôi đã viết
Tập thơ này với hi vọng mong manh:
Trong bạn đọc sẽ có người âu yếm
Nhắc tên tôi như nhắc việc tốt lành.
Tôi viết sách và làm thơ vì thế,
Sau khi nghe đủ chuyện tầm phào,
Vì tôi chết không có người nối dõi –
Đó là đòn số phận, biết làm sao.
Hỡi cô gái, hỡi chàng trai, ta hãy
Thành anh em, thành bạn, và rồi
Hỡi những ai đọc sách này, đọc hết,
Hãy rộng lòng cầu nguyện cho tôi.
Mười điều khuyên bổ ích cho lớp trẻ
Hỡi lớp trẻ đang ham mê kiến thức,
Hãy làm theo Đavít dạy – đời này
Tốt hơn hết trước khi ăn quả ngọt,
Đừng ngại ngùng nếm quả đắng cay.
Nếu định tiếc điều gì hay hối hận
Thì phải nên hối hận, tiếc từ đầu.
Sẽ có lúc hóa ra hạnh phúc
Cả những gì ta tưởng chỉ buồn đau.
Khi bà mẹ sinh xong con , lập tức
Bà quên ngay cơn đau đẻ vừa rồi.
Khi sung sướng nhìn con khôn lớn
Ai suy bì vất vả công nuôi?
Người tự tay trồng cây nho xuống đất
Sẽ rất vui khi quả chín sai cành,
Như học hết, anh học trò thích thú
Được thành người uyên bác, thông minh.
Anh có học cho đến khi anh chết,
Kiến thức anh anh vẫn giử trong đầu,
Vì kiến thức là gia tài quý giá,
Không lo người cướp giật, mất đi đâu.
Đời tráo trở luôn luôn chăng bẫy
Mà trước sau anh cũng chui vào.
Không kiến thức, sống đi, anh sẽ thấy
Cuộc đời này độc ác ra sao.
Bản thân tôi không thông minh cho lắm,
Nhưng từ lâu tôi nhận thấy điều này,
Rằng anh ngốc thường không phân biệt nổi
Cái tốt tồi hay cái dở, cái hay.
Người vô học, than ôi, cũng thế,
Dù thông minh cũng chẳng được ích gì.
Anh ta giống con voi to khỏe mạnh,
Nhưng không vòi, thành bất lực, ngu si.
Người thông minh mà không được học
Chẳng làm nên công chuyện lớn trong đời.
Như anh lính cứ tay không hùng hục
Lao vào vùng chiến trận, đạn tên rơi.
Như con hổ khi thấy mồi muốn bắt
Mà răng cùn, móng rụng phải làm ngơ.
Vâng, vô học dù tài ba đến mấy,
Cũng khó khăn, không thành đạt bao giờ.
Tôi đã đi khắp nơi và đã thấy
Không gì hơn tri thức, học hành.
Người có học sống tự do thoải mái,
Không đua đòi, không phụ thuộc xung quanh.
Và ở đâu họ cũng không thay đổi,
Vẫn giữ nguyên vốn quý mình cần.
Khi đói khổ, họ như tôi, tự trọng,
Không cúi đầu qùi gối xin ăn.
. . . .
Tôi vừa chỉ cho anh lựa chọn
Bảy nghề trên nuôi sống con người.
Nghề thứ tám – một nghề không đến nỗi –
Là làm vua cai trị người đời.
Nghề thứ chín là nghề anh chăn thú,
Dẫn thú đi ngày hai buổi sáng chiều.
Và thứ mười – người đang yêu chỉ sống
Bằng cái nhìn say đắm của người yêu.
Vua, anh lính, người đang yêu say đắm,
Anh lái buôn, linh mục, gã ăn mày,
Nhà thông thái, bác nông dân, người chăn thú
Và cuối cùng là anh thợ khéo tay.
Đấy, mười người mười nghề – Tôi sẽ viết
Về mỗi người một đoạn nhỏ anh nghe,
Để anh chọn một nghề theo sở thích
Và chuyên tâm tu dưỡng, chóng thành nghề.
Là chàng trai, anh phải yêu cô gái
Mà anh yêu bằng cả trái tim mình,
Luôn ở cạnh người yêu, luôn chiều chuộng
Và nếu cần, không do dự hi sinh.
Vắng người yêu, mỗi niềm vui lập tức
Sẽ biến thành bất hạnh, buồn đau,
Và việc chết vì người anh yêu quí,
Anh phải xem là hạnh phúc ngọt ngào,
Anh chăn thú phải thức nhiều, ngủ ít,
Phải luôn luôn cẩn thận canh phòng.
Phải cho thú đủ ăn, đủ uống
Cả trong ngày nắng hạn lẫn ngày đông.
“Người chăn thú tận tâm dám chết
Vì đàn cừu yêu quí”. Từ nay
Khi canh giử bầy sói rừng độc ác,
Đừng quên tôi đã viết những dòng này.
Đã làm vua, phải công minh chính trực,
Như người xưa dạy thế nhiều lần,
Phải cương quyết chăm lo việc nước,
Phải thương người nương nhẹ với thần dân.
Vua trị nước phải tôn nghiêm pháp luật,
Phải bắt dân ghi nhớ điều này.
Như chăn thú, vua chăn dân chu đáo,
Chiếc roi dài là quyền trượng trong tay.
Anh hành khất phải nói năng khiêm tốn.
Khi xin ăn luôn lễ độ, nhẹ nhàng.
Phải cầu nguyện cho người cho bố thí,
Dù người này nghèo đói hoặc giàu sang.
Vì nhẫn nhục, vì đói nghèo mà Chúa
Vốn thương yêu những kẻ ăn mày.
Chúa ghét ai đã phải xin bố thí
Còn kiêu kì ra vẻ ta đây.
Người cày ruộng và người gieo hạt,
Người trồng nho cuốc đất … suốt đời
Từ rạng sáng đến khi trời tối
Luôn tay làm không một phút nghỉ ngơi.
Đã là lính tất nhiên anh phải trẻ,
Phải công tâm, khỏe mạnh, trung thành,
Phải tận tụy, phải hiến dâng cho chủ
Cả phần hồn lẫn phần xác đời anh.
Phải hào hiệp, phải thương yêu đồng đội,
Khi đánh nhau phải dũng cảm quên mình.
Nếu phải chết, anh phải xem điều ấy
Là một điều danh giá , quang vinh.
Người lái buôn đi buôn kiếm lãi,
Nhưng làm sao phải buôn bán thật thà.
Không uống rượu quá say thành nghiện ,
Phải dè chừng, không cờ bạc bê tha.
Không được dính vào việc làm ám muội,
Là việc nên ghi nhớ trong đầu.
Không gian dối khi cầm cân đong đếm,
Để Chúa Trời không trừng phạt về sau.
Làm linh mục phải là người dũng cảm,
Luôn tận tâm phục vụ mọi người.
Không được nói: “Nơi này nguy hiểm,
Hãy lo mời cha khác thay tôi”.
Làm linh mục phải lo chôn người chết
Tiễn họ đi khỏi thế giới người trần.
Làm linh mục mà ham vui quá chén
Thì thế nào cũng chuốc vạ vào thân.
Người nông dân xưa nay là thế,
Đổ mồ hôi vất vả ngoài đồng
Để tự nuôi bản thân mình, và để
Nuôi nhiều người ăn bám, ngồi không.
Tôi, Đavít, ngợi khen, kính phục
Anh thợ luôn chăm chỉ suốt ngày.
Thật đáng kính là ai có thể
Tự nuôi mình bằng chính đôi tay.
Hai vợ chồng anh ta thật giống
Một bụi nho quả chín sai cành,
Còn con cái là hàng ôliu nhỏ
Đứng thành vòng đều đặn xung quanh.
Và cuối cùng bao đời nay vẫn thế,
Như mỗi nước cần có vua của mình,
Xã hội nào cũng cần nhà thông thái
Để dạy người thành có học, thông minh.
Nhà thông thái không bao giờ được phép
Làm những điều không xứng đáng, không hay,
Vì dân chúng thích đua đòi có thể
Sẽ làm theo và hư hỏng sau này.
Đấy, mười điều tất cả
Tôi phân tích anh nghe.
Tùy khả năng, ý thích,
Hãy chọn lấy một nghề.
Thích, cứ làm hành khất,
Không thì làm nông dân.
Tôi không khuyên thêm nữa,
Nhưng chọn rất là cần.
Cành cây càng già héo
Sẽ càng khó uốn cong,
Như những người già cả
Học sẽ khó vô cùng.
Dễ uốn và dễ cắt
Là cành non, dây leo.
Học hành khi ít tuổi
Đỡ vất vả hơn nhiều.
Này anh chàng trẻ tuổi,
Hãy nghe lời tôi khuyên:
Dành mắt tìm ánh sáng,
Đừng nhìn vào bóng đen.
Đừng đi theo kẻ xấu
Điều ấy chẳng ích gì.
Nếu anh không biết hát
Tốt nhất là im đi.
Các đam mê bồng bột
Phải nén giữ hàng ngày.
Lúc đầu có thể ngọt
Mà sau thành đắng cay.
Đừng nghe điều xúc xiểm
Và miệng xấu người đời,
Lúc ấy anh sẽ biết
Niềm vui và thảnh thơi.
Đừng bạ gì cũng rót
Vào bình sạch pha lê,
Sau này khó rửa hết,
Rồi sẽ bị cười chê,
Và rồi anh sẽ tiếc,
Sẽ khổ vì ưu phiền:
“Sao mình không làm đúng
Những lời Đavít khuyên?”
Người trẻ cần phải học
Để hiểu rõ chính mình:
Là ai, từ đâu tới?
Chết đi đâu? Ai sinh ?
Và có gì tặng Chúa
Đã tạo ra người trần?
Biết, để khỏi lầm lạc
Như cừu không người chăn.
Cả chàng trai, cô gái,
Hàng ngày và mọi nơi,
Phải biết im: ý nghĩ
Không được nói thành lời.
Không bộc lộ tình cảm
Bằng nét mặt, cái nhìn.
Đừng dèm pha người khác,
Anh sẽ được người tin.
So lo mon vĩ đại,
Giỏi, thông minh hơn người
Đã viết nhiều sách quí
Về phép nước luật trời
SHÔTA RUSTAVELI
(THẾ KỶ VII–VIII)
TRÁNG SĨ CHOÀNG DA HỔ
Trích trường ca
Chương I:
VỀ RÔSTÊVAN, VUA Ả RẬP
32. Ở Arập ngày xưa có ông vua vĩ đại
Tên là Rôstêvan, một con người nhân ái.
Vua dũng cảm, công tâm, biết quí trọng người tài,
Văn và võ đều hay, làm quân thù khiếp hãi.
33. Rôstêvan đã già nhưng không có con trai,
Vua chỉ có một người con gái tựa sao mai.
Các tráng sĩ thoạt nhìn, lửa tình yêu đã cháy.
Ai đủ ý khen nàng xinh đẹp? Chắc không ai.
34. Nàng là Tinatin, lớn lên càng lộng lẫy
Và tỏa sáng xung quanh hơn vầng dương mới dậy.
Vua cho gọi các quan để bàn luận việc này.
Và đã nói như sau bằng những lời bóng bẩy:
35. “Ta muốn được mọi người cùng bàn bạc hôm nay.
Ai cũng biết hoa hồng khi héo rụng bên cây,
Như bóng tối hiện lên khi vầng dương vụt tắt,
Theo quy luật cuộc đời có nụ mới lên thay.
36. Ta đã già, than ôi, cái già như bệnh tật
Làm chúng ta đau buồn, khổ tâm, lo lắng nhất,
Chẳng còn sống bao lâu, nên ta định bây giờ
Truyền ngôi báu cho con, không chờ khi ta mất”.
37. Các quan đáp: “Xin vua đừng nhắc đến tuổi già.
Hãy yêu quí hoa hồng, dù héo vẫn là hoa,
Vì hương nó vẫn thơm hơn nhiều hoa mới nở.
Dù rất sáng, trời sao vẫn thua mảnh trăng tà.
38. Đừng nói vậy, thưa vua, đừng trách mình vô cớ.
Hoa của ngài còn thơm, quyền uy ngài đáng sợ.
Nhưng tuy thế chúng tôi phải tuân thủ ý ngài –
Xin đặt Tinatin lên ngai vàng rực rỡ!
39 Chúa phù hộ, chắc nàng sẽ ngồi vững trên ngai.
Chúng tôi không nịnh vua, nhưng nàng tốt và tài –
Con sư tử giống nhau, đực cái gì cũng thế.
Nàng biết cách trị vì đất nước chẳng thua ai”.
40. Quan tể tướng trong triều – Avtanđin, còn trẻ,
Con một quan đại thần. Chàng cao to, mạnh khỏe
Xinh đẹp giống vầng dương, kiêu hãnh ngẩng cao đầu.
Công chúa Tinatin làm tim chàng đẫm lệ.
41. Avtanđin yêu nàng thầm kín đã từ lâu.
Chàng đau khổ vô cùng khi không được ghần nhau,
Nhưng được gặp người yêu, lửa tim chàng thêm cháy
Thật đáng thương là người yêu mà phải xa nhau.
42. Khi bất chợt nghe tin vua truyền ngôi, hôm ấy
Avtanđin mừng vui, nghĩ từ nay nhờ vậy
Chàng sẽ đỡ nhớ nhung, vì có thể hàng ngày
Được nhìn thấy người yêu giữa hoàng cung lộng lẫy.
43. Vua lập tức cho người truyền lệnh khắp đông tây:
“Tinatin sẽ là người trị nước từ nay
Sẽ tỏa sáng bốn phương như mặt trời rực đỏ.
Hãy ca ngợi nữ hoàng xinh đẹp, hãy về đây!”
44. Mọi người kéo về cung rất đông, trong số họ
Là Sôgrat đại thần được vua yêu từ nhỏ
Và cả Avtanđin, vị tướng trẻ kì tài
Một buổi lễ thật to xưa nay chưa từng có.
45. Tinatin dịu dàng, rực rỡ tựa sao mai
Được vua đặt lên đầu vương miện, dẫn lên ngai
Với quyền trượng cầm tay, hào quang trên nét mặt,
Nàng âu yếm liếc nhìn một lượt, chẳng chừa ai.
46. Rồi tất cả vua quan cúi rạp người xuống đất
Tôn nàng lên làm vua các ông vua mạnh nhất,
Rồi kèn sáo vang to, rồi trống dập từng hồi.
Tinatin bỗng buồn, lệ thấm nhòa hai mắt.
47. Vì nàng nghĩ rằng nàng không xứng được lên ngôi,
Và nàng khóc, từng dòng nước mắt chảy lên môi.
Cha nàng bảo:”Ngai vua cha truyền, con kế vị.
Lo chưa trọn việc này, lòng ta hẳn chưa nguôi.
48. Đừng khóc nữa, lắng nghe những lời ta thuyết lí,
Từ nay con là vua một quốc gia hùng vĩ,
Nhờ ơn Chúa được trao cai quản cả nước nhà.
Con hãy cố thành người công minh và thiện chí.
49. Mặt trời chiếu công bằng cho cỏ dại và hoa.
Con cũng hãy thương yêu cả giàu đói, trẻ già.
Như nước biển rút đi để rồi sau đầy lại,
Ta hào phóng cho đời, đời sẽ lại cho ta.
50. Sự hào phóng xưa nay làm con người vĩ đại,
Người hào phóng dễ dàng thu phục lòng nhân ái.
Có ki cóp từng xu anh cũng chẳng thành giàu.
Cái anh đem cho người là của anh mãi mãi”.
51. Tinatin dịu dàng nghe cha dạy hồi lâu.
Những lời dạy thông minh nàng ghi nhớ trong đầu,
Vua vui vẻ tiệc tùng, Tinatin cạnh đó,
Đẹp đến mức mặt trời phải ghen tức mày chau.
52. Nàng liền bảo viên quan nuôi nàng từ ngày nhỏ:
“Các kho báu mà ta, con Đức vua, được có,
Hãy mang hết ra đây!” Rồi nàng lấy bạc vàng
Đem phân phát mọi người khắp nơi trong thành phố.
53. Ngày hôm ấy, rộng tay, bao của cải của nàng
Nàng đem hết chia đều cho kẻ khó, người sang.
Nàng còn nói như sau:”Ta vâng lời cha dạy:
Phải hào phóng cho đời, đời cho lại vinh quang!
54. Hãy mang hết ra đây, nếu đang còn đâu đấy,
Cả ngựa quí của ta, hãy mang ra, cũng vậy,
Nàng chẳng tiếc, đem cho. Ai dự tiệc lần này,
Hễ bắt gặp cái gì cũng nhanh tay vồ lấy.
55. Các kho báu của nàng được phân phát hết ngay.
Cả đàn ngựa của nàng cũng biến mất. Hôm nay
Nàng hào phóng, vô tư. Trong dịp này vui vẻ
Nàng không để người nào không quà tặng cầm tay.
56. Ngày thứ nhất tiệc vui đã trôi qua như thế.
Quân và tướng ngồi đông, đông và vui vô kể,
Nhưng không hiểu vì sao vua tư lự cúi đầu.
“Ngài phiền muộn gì chăng?” các quan thần hỏi khẽ.
57. Ngồi oai vệ đầu bàn, Avtanđin không râu
Cùng Sôgrat đại thần đầu bạc sát bên nhau.
“Có chuyện không vui ư? Sao ngài buồn thế nhỉ?”
Họ thấy thế giật mình, lo lắng rỉ tai nhau.
58. “Chắc đang có điều gì làm Đức Vua suy nghĩ.
Vì ai dám ở đây làm ngài không vừa ý?”
“Ta hãy giúp xua đi cái buồn ấy không cần,
Hay ta hỏi ngài xem?” – Avtanđin đề nghị.
59. Và rồi Avtanđin, vị thống lĩnh toàn quân
Cầm cốc đến bên vua cùng Sôgrat đại thần.
Cả hai vị vội vàng quì trước vua kính cẩn,
Sôgrat lựa lời lên tiếng, dáng phân vân:
60. Chúng tôi thấy Đức vua đang ưu phiền , chán nản
Cũng dễ hiểu vì sao – kho báu vua đã cạn
Vì công chúa vung tay phân phát hết . Thế là
Nhường ngôi báu để rơi vào cảnh nghèo ngao ngán!”
61. Rôstêvan nghe xong, khó chịu nghĩ: “Ông già
Dám liều lĩnh bạo mồm… “Vua nói :”Hãy nghe ta!
Ta quí lão xưa nay, nhưng chê ta keo kiết
Chỉ là đám người hèn giả dối, thích ba hoa.
62. Ta buồn bã không do vì gia tài khánh kiệt,
Mà vì lo cái già, vì đời ta sắp hết,
Thế mà cả nước này ta chẳng thấy có ai
Có thể sánh cùng ta những ngày xưa oanh liệt.
63. Ta chỉ có một người con gái phận đào mai,
Do trời phạt thế nào ta chẳng có con trai
Để sánh được cùng ta, về cung tên, võ nghệ,
May còn được Avtađin, một tráng sĩ có tài…”
64. Avtanđin cúi đầu khi nghe vui nói thế,
Rồi bất chợt mỉm cười, một nụ cười e lệ.
Chàng để lộ hàm răng làm sáng cả đất trời.
Vua liền hỏi: “Vì sao ngươi mỉm cười, không lẽ
65. Tất cả những điều trên ta nói đáng chê cười?”
“Không! – chàng đáp. –
Thưa vua, nhưng trước lúc trả lời
Tôi muốn được vua thề không bắt tôi trị tội
Vì việc dám hỗn hào thách đố hoặc đùa chơi”.
66. Không, đừng sợ, nói đi. Ta xin thề, – vua nói,
Bằng mạng sống con ta, vầng dương luôn chói lọi”.
Chàng tráng sĩ nghe xong liền đáp: “Việc thế này:
Về tài nghệ cung tên, xin vua đừng khoe vội.
67. Tôi, nô lệ của ngài, nhưng bắn giỏi xưa nay,
Còn hơn cả chính ngài. Xin cứ thử ra tay.
Ta đọ sức cùng nhau trước ba quân lúc ấy
Ai thắng bại thế nào – kết quả nói ta hay”.
68. Vua liền đáp: “Được thôi. Cứ cho là như vậy.
Ngươi thách đấu cùng ta, nhưng xem chừng, đợi đấy!
Để làm chứng, ta mời các xạ thủ tài ba.
Các mũi tên của ta sẽ cho ngươi được thấy!”
69. Vua và Avtanđin lại thân thiện cười xòa,
Cùng quyết định thi tài săn bắn giữa đồng xa.
Ai thua cuộc – ba ngày đầu trần đi giữa phố!
Một hình phạt nhẹ nhàng cho kẻ thích ba hoa.
70. Rồi lập tức vua truyền cho phường săn sau đó:
“Hãy chuẩn bị chó săn và thú rừng lớn nhỏ!
Các binh sĩ của ta, hãy chờ lệnh lên đường!”
Và tới đấy tiệc tan, đông vui chưa từng có.
Chương II
“Rôstêvan và Avtanđin đi săn”
71. Vừa rạng sáng hôm sau, khi trời vẫn đầy sương,
Cao, cân đối, dịu dàng như bông huệ dễ thương,
Cưỡi ngựa trắng, áo hồng thêu bạc vàng lấp lánh,
Avtanđin trình vua, xin phép được lên đường.
72. Vua chẳng bắt chờ lâu – và hai người kiêu hãnh
Cùng phi thẳng ra đồng như phi vào trận đánh.
Tất cả đã sẵn sàng, hai đối thủ tiến ra.
Các binh sĩ đứng đông, luôn hò reo bên cạnh.
73. Vua ra lệnh: “Bây giờ mười hai lính theo ta
Để nhanh nhẹn đưa tên, không một phút lơ là
Và để đếm số tên ai trúng nhiều hơn hết”.
Từ bốn phía từng đàn thú bị ép, nhào ra.
74. Rồi trước mặt hiện lên một bức tranh tuyệt đẹp
Hươu, chồn, cáo, nai, dê… nhiều không sao kể xiết
Đang nhao nhác chen nhau. Theo đúng luật, hai người
Dương cung bắn luôn tay, bắn nhiều không biết mệt.
75. Dưới móng ngựa bụi tung che lấp cả mặt trời
Tiếng hò hét vang lên, rung động cả đất trời.
Khi tên hết, lính hầu đưa tên thêm cho họ.
Thú bị bắn chết nhiều, xác chất đống khắp nơi.
76. Họ xông xáo dọc ngang – đâu cũng toàn máu đỏ.
Chúa có thể giận người khi nhìn quang cảnh đó.
“Chàng tráng sĩ cao to như cây cọ thiên thần!”
Ai thấy Avtanđin cũng khen và ngưỡng mộ.
77. Họ phi hết cánh đồng thì buộc phải dừng chân
Vì núi đá và rừng rậm rạp đứng cách ngăn.
Ngựa không thể chui qua. Cả hai người mệt mỏi,
Nhưng vẫn tỏ ra mình đang khỏe trước đoàn quân.
78. Họ trò chuyện với nhau, rất vui và sôi nổi.
Ai cũng tự cho mình hơn người kia gấp bội.
Khi một tốp người hầu đi đến đứng xung quanh.
“Hãy tâu thật với ta: Ai hơn ai? Vua nói.
79. Sau một thoáng ngập ngừng, cả bọn đáp đồng thanh:
“Có bị giết, chúng tôi cũng chẳng dám nói quanh.
Vua không thể sánh ngang Avtanđin tài nghệ.
Chàng nhắm bắn con nào, con ấy chết rất nhanh.
80. Thú bị giết, thưa vua, hai nghìn con, tuy thế
Avtanđin hơn ngài hai mươi con có lẻ.
Chàng tráng sĩ hôm nay không bắn trượt phát nào
Trong lúc đó tên vua bắn ra ngoài vô kể”.
81. Vua nghe vậy liền cười, không buồn bực là bao
Lúc ngắm Avtanđin, vua còn thấy tự hào.
Như họa mi, hoa hồng, vua rất yêu tráng sĩ.
Cái mệt mỏi, cái đau buồn bay đâu hết nhanh sao.
82. Rồi sau đó hai người vào bóng cây ngồi nghỉ.
Từ bốn phía kéo về từng tốp đông binh sĩ.
Vua và Avtanđin cùng ngắm cảnh núi đồng
Với bên cạnh mười hai lính hầu vua yêu quí.
Chương III
“Rôstêvan thấy tráng sĩ choàng da hổ“
83. Bỗng họ thấy bên sông một chàng trai lạ mặt,
Một tráng sĩ dắt tay con ngựa hồng đẹp nhất
Cả vũ khí, yên cương cũng gắn ngọc sáng ngời;
Má chàng tựa hoa hồng, đang đầm đìa nước mắt.
84. Chàng ngồi đó trầm tư, tấm da hổ trên người,
Cũng bằng thứ da kia là chiếc mũ tuyệt vời.
Chàng đang giử trong tay chiếc gậy to. Lúc ấy
Vua thấy thế vội vàng cho lính đến tận nơi
85. Để biết chàng là ai mà lạ lùng như vậy.
Tên lính đến hỏi chàng. Ngồi im không động đậy,
Chàng tráng sĩ thờ ơ, chỉ than khóc, cúi đầu
Để nước mắt cứ tuôn, từng dòng như suối chảy.
86. Tên lính sợ, rụt rè, không dám hỏi, hồi lâu
Nhìn chàng khóc, và rồi nén sợ nói như sau:
“Thưa tráng sĩ, Đức vua cho mời ngài đến hỏi”.
Nhưng tráng sĩ còn chìm trong lo lắng, buồn đau,
87. Nên không biết, không nghe những lời tên lính nói.
Chàng cũng chẳng quan tâm tới đám người sôi nổi.
Vì trong lửa trái tim đang cháy, nước mắt chàng
Lẫn máu đỏ trào ra, không thể nào ngăn nổi.
88. Chàng còn để tâm hồn bay đâu đó lang thang.
Khi lần nữa tên kia lại lễ phép mời chàng,
Chàng vẫn khóc như mưa, không nghe gì; lúc ấy
Như một đóa hồng tươi, đôi môi nở dịu dàng.
89. Tên lính vội tâu vua khi thấy chàng như vậy:
“Chàng xinh đẹp, thưa vua như mặt trời lộng lẫy,
Nhưng không hiểu vì sao chỉ than khóc, chau mày.
Con cố gọi nhiều lần, nhưng chàng không nghe thấy.
90. Vua nghe thế tò mò, tức giận phái đi ngay
Mười hai lính tin yêu với lời dặn thế này:
“Hãy phóng ngựa tới kia, nhớ mang theo vũ khí,
Hãy bắt con người kì lạ ấy về đây!”
91. Thế là đám lính hầu khua giáo gươm ầm ĩ
Định xông tới bắt chàng. Đang buồn đau, tráng sĩ
Bỗng chợt tỉnh, chàng thấy bọn lính vây đông.
“Thật nguy khốn cho ta!” chàng kêu lên rầu rĩ.
92. Chàng vội vã đưa tay lau nước mắt từng dòng,
Đeo cung nỏ lên người, sửa lại kiếm bên hông
Rồi lên ngựa phi đi, không ngoái đầu quay lại,
Cũng không dám hỏi người đang đuổi thích hay không.
93. Bọn lính vội chìa tay, bắt chàng, nhưng kinh hãi,
Chúng bị chàng đánh đau, đến trông mà ái ngại:
Đứa bị quất bằng roi, đứa toác ngực, vêu đầu,
Chàng giơ chúng lên cao như con sên, con nhái,
94. Rôstêvan vô cùng tức giận, chẳng bao lâu
Một toán khác vội vàng được lệnh đuổi theo sau
Và cả chúng, than ôi, cũng bị chàng giết chết
Bằng cách túm lấy người vung mạnh, đập vào nhau.
95. Vua và Avtanđin thấy quân mình bị giết
Liền phi ngựa tới xem. Tráng sĩ kia vì biết
Có nhà vua đuổi theo, liền vội vã lên đường –
Ngựa giống Merani, người oai phong lẫm liệt.
96. Chàng quất ngựa phi nhanh – một sự lạ khác thường
Lập tức ngựa và người như biến mất trong sương.
Vua và lính không ai còn thấy chàng từ đấy –
Chàng chui xuống đất sâu hay lên cõi thiên đường?
97. Mọi người kiếm khắp nơi rất lâu nhưng chẳng thấy
Và ngạc nhiên khi chàng bỗng biến nhanh như vậy.
Toán lính vội khóc thương những người chết trong ngày,
“Thế là mất cuộc vui!” vua kêu to nóng nảy.
98. “Chắc Chúa vì nhìn ta vui sướng xưa nay.
Nên Chúa bắt ta buồn và khổ thế này đây,
Cho đến chết đời ta chỉ một mầu u tối.
Nhưng ta biết làm sao khi Ngài muốn thế này?”
99. Vua nói xong, quay về, đôi mày chau bực bội
Và cho ngừng cuộc săn, luôn thở dài tức tối.
Ai cũng vội rút lui. Có người nói: ” Lạ lùng!”
Nhưng có người bênh vua:”Ngài thông minh”, họ nói
100. Vua buồn bã, một mình mệt mỏi bước vào cung
Chỉ có Avtandin lúc ấy bước đi cùng.
Trong cả đám cận thần không còn ai bên cạnh
Im tiếng sáo tiếng đàn, im cả tiếng chuông rung.
*(Những câu thơ trên được trích trong cuốn “Thơ cổ phương đông” của dịch giả, nhà văn, nhà thơ Thái Bá Tân)